Bao bì có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm?

Tuesday, October 22, 2024

Theo kết quả nghiên cứu mới đây vừa được công bố trên thế giới, có khoảng 14.000 hóa chất tiếp xúc với thực phẩm có khả năng thâm nhập vào thực phẩm từ bao bì làm bằng nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại hoặc các vật liệu khác.

Trên thị trường hiện nay có đa dạng các loại bao bì đựng thực phẩm từ thủy tinh, nhựa, kim loại đến giấy… Chúng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu nhãn hàng của sản phẩm mà còn bảo vệ sản phẩm khỏi các tác động từ bên ngoài như: ánh sáng, không khí, nước, vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, nấm men, nấm mốc; bảo quản thực phẩm không bị hư hỏng, giữ chất lượng tốt nhất từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Giữa vô vàn các loại bao bì đóng gói như vậy, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Phần lớn họ chọn những thực phẩm có nhãn mác rõ ràng, được đóng gói cẩn thận bảo đảm không rách, méo mó.

“Đầu tiên, bao bì sản phẩm giúp nhận diện thương hiệu của sản phẩm đó. Bảo quản đồ khô còn dễ chứ đối với đồ ăn liền, nếu bao bì không bảo đảm mà để lâu thì chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn. Tôi vào siêu thị mua đồ hộp bao giờ cũng có lớp kim loại tráng bạc hay những gói mì tôm được bao bởi túi bạc thiếc thì an toàn, không rò rỉ ra ngoài, còn hộp nhựa bảo quản đồ khô thì tôi thấy yên tâm” – Chị Nguyễn Thị Hương ở đường Nguyễn Trãi, Hà Nội chia sẻ.

Theo một kết quả nghiên cứu mới đây vừa được công bố trên thế giới, có khoảng 3.600 hóa chất được sử dụng trong bao bì hoặc chế biến thực phẩm đã được phát hiện trong cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu đã lập danh mục khoảng 14.000 hóa chất tiếp xúc với thực phẩm có khả năng thâm nhập vào thực phẩm từ bao bì làm bằng nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại hoặc các vật liệu khác. Nhóm hóa chất này gọi là hóa chất vĩnh cửu (viết tắt là PFAS) có độ bền cao, không dễ phân hủy trong môi trường.

“PFAS được gọi là "hóa chất vĩnh cửu" do có các liên kết đơn hóa học carbon-flo - là một loại liên kết hóa học mạnh nhất. Vì những hóa chất này có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể và môi trường nên nếu sử dụng chúng làm bao bì thực phẩm, có nguy cơ chúng sẽ nhiễm vào thực phẩm, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như gây ra các vấn đề về nội tiết, gan, thận và thậm chí là ung thư” - Ths Trần Hoàng Quyên – Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sản xuất và chuyển giao công nghệ thực phẩm, Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết.

Vì vậy, các nước trên thế giới đã ban hành luật hạn chế đưa ra thị trường bao bì có chứa hóa chất vĩnh cửu như nhựa, kim loại…

Đến năm 2026, các nước Châu Âu sẽ hạn chế đưa ra thị trường bao bì có chứa hóa chất vĩnh cửu PFAS

Ở nước ta, đã có các quy định cụ thể về bao bì thực phẩm, đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Có thể kể đến như:

Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 yêu cầu bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của thực phẩm;

Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đảm bảo không có chất độc hại và an toàn cho người tiêu dùng.

Hay thông tư 34/2011/TT-BYT yêu cầu bao bì phải đảm bảo không chứa chất gây ô nhiễm thực phẩm, không có tương tác hóa học với thực phẩm và không làm giảm chất lượng của sản phẩm.

Các văn bản pháp luật trên đảm bảo quản lý toàn diện các quy định về bao bì sản phẩm thực phẩm, bao gồm: chất liệu, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và quy trình sản xuất để đảm bảo bao bì không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, theo Ths Trần Hoàng Quyên, việc kiểm soát các cơ sở sản xuất đóng gói vẫn còn nhiều khó khăn.

“Khó thực hiện việc kiểm soát bởi mỗi bao bì thực phẩm thì câu chuyện phải tráng lớp để có thể bảo quản cho thực phẩm đó không bị tác động bởi môi trường bên ngoài thì nó xảy ra rất thường xuyên, có điều là sử dụng vật liệu nào và vật liệu đó có được phép hay không thì bắt buộc phải có công đoạn hậu kiểm hoặc là kiểm soát từ khi nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu. Việc kiểm tra cần nhiều tài lực, nhân lực nên việc kiểm soát được chặt chẽ rất khó khăn. Còn việc xây dựng những quy định thì Việt Nam, đặc biệt là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để có thể kiểm soát được bao bì thực phẩm” – Ths Trần Hoàng Quyên nhận định.

Ở Việt Nam đã có Luật, Nghị định ban hành quy định về bao bì đóng gói không được phôi nhiễm ra thực phẩm

Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn loại bao bì được làm từ vật liệu không chứa các hóa chất độc hại có thể thẩm thấu hoặc nhiễm vào thực phẩm, có khả năng chống thấm, chống mùi, bảo vệ được thực phẩm khỏi các yếu tố: ánh sáng, không khí, độ ẩm, vi khuẩn và các tác nhân gây hư hỏng khác.

Thực phẩm lỏng như sữa, nước trái cây, trà, cà phê cần bao bì chống rò rỉ, thực phẩm pH thấp cần chống axit, thực phẩm đông lạnh cần bao bì chịu được nhiệt độ thấp và thực phẩm nhiều dầu mỡ cần bao bì không tương tác.

Thời gian gần đây, việc sử dụng giấy làm bao bì thực phẩm có xu hướng được ưa chuộng do tạo ra cảm giác an toàn, thân thiện với môi trường, dễ tái chế, phân hủy. Tuy nhiên, Ths Trần Hoàng Quyên cho rằng một số sản phẩm được bảo quản bằng giấy chưa chắc đã đảm bảo an toàn đối với sức khỏe do nguyên liệu giấy làm bao bì đảm bảo an toàn loại trừ gây ô nhiễm cho thực phẩm thường là các chất liệu không bền với tác động môi trường (ẩm, nóng, khó ngăn thấm khí và nước) dẫn đến khó bảo vệ sản phẩm thực phẩm và khó đảm bảo tuổi thọ cho sản phẩm. Ngoài ra, một số nguyên liệu giấy còn tồn dư các hóa chất của quá trình xử lý, định hình, in ấn, tráng PFAS để chống thấm, … sẽ có thể gây ô nhiễm cho sản phẩm.

Nguồn: https://hopcungcaocap.vn/bao-bi-co-anh-huong-den-chat-luong-thuc-pham/

Leave your comment

Our partners have trusted and supported us over the past time

Trusted Partners

0763 231 968
0763 221 968