Ngành bao bì Việt Nam trên hành trình xanh hóa

Sunday, October 20, 2024

Xanh hóa ngành bao bì đang trở thành xu hướng tất yếu khi các áp lực từ việc bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Tại Việt Nam, việc xanh hóa ngành bao bì không chỉ là yêu cầu từ phía pháp luật, người tiêu dùng mà còn xuất phát từ ý thức từ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là giảm thiểu phát sinh chất thải và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và phân phối. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp bao bì đang nỗ lực tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng, vốn ngày càng quan tâm đến các sản phẩm xanh.

Top 5 ưu tiên trong phát triển bền vững của doanh nghiệp bao bì (Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 9/2024)

Bên cạnh đó, việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt là các nguồn nguyên liệu tái chế, cũng là một ưu tiên quan trọng. Sử dụng nguyên liệu tái chế không chỉ giảm nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên mà còn giúp giảm lượng chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giúp tăng năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường. Các doanh nghiệp bao bì đang đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng ít năng lượng và giảm lượng khí thải.

Ngoài ra, tạo môi trường làm việc công bằng, an toàn và đẩy mạnh các chương trình đào tạo, phát triển nhân viên cũng là một phần của chiến lược phát triển bền vững. Việc này giúp nâng cao năng lực của nhân viên, đảm bảo sản xuất hiệu quả và an toàn, đồng thời góp phần vào sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Cuối cùng, cải tiến thiết kế bao bì để có thể tái sử dụng hoặc đa chức năng giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm, giảm nhu cầu sản xuất mới và tiết kiệm tài nguyên. Đây là những bước đi cụ thể mà ngành bao bì Việt Nam đang thực hiện để hướng tới một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường.

Tình hình cam kết ESG tại các doanh nghiệp bao bì (Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 9/2024)

Với những ưu tiên trên hành trình xanh hóa ngành bao bì, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng hướng tới thực hiện cam kết Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG). Cùng mẫu nghiên cứu mà Vietnam Report đã khảo sát trong năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp Đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG đã tăng nhẹ lên 37,5%, tỷ lệ doanh nghiệp Đang ở giai đoạn lập kế hoạch giảm còn 40,1%. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp Không đặt ra cam kết ESG/chưa có kế hoạch cụ thể giữ nguyên mức 22,4% so với năm trước đó. Các doanh nghiệp chưa đặt ra cam kết ESG hầu hết phải đối mặt với vấn đề tài chính trong giai đoạn khó khăn trước đó, việc phân bổ nguồn tài chính cho kế hoạch ESG chưa thể triển khai. Mặt khác, tỷ lệ 3,7% doanh nghiệp đã chuyển từ lập kế hoạch sang triển khai thực hiện cam kết ESG cũng là một điểm sáng trên thị trường bao bì.

Top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông (Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bao bì, tháng 8/2023-7/2024)

Hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao trong lựa chọn của người tiêu dùng. Khi thương hiệu của một doanh nghiệp được định vị vững chắc và có sự liên kết mạnh mẽ với giá trị bền vững, trách nhiệm xã hội, và chất lượng sản phẩm, khách hàng có xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đó. Bằng chứng được ghi nhận qua phân tích truyền thông bằng phương pháp Media Coding của Vietnam Report, nhóm chủ đề Khách hàng/Quan hệ khách hàng/Bán hàng lọt vào top 5 chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với tỷ lệ 11,1%. Các chủ đề khác lần lượt là Hình ảnh/PR/Scandals; Sản phẩm; Cổ phiếu; Tài chính/Kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát người tiêu dùng F&B của Vietnam Report, có tới 92,1% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến mức độ thân thiện với môi trường của bao bì sản phẩm, tăng 12,5% so với năm 2023. Đây vừa là áp lực, vừa là động lực để các doanh nghiệp bao bì ngày một hoàn thiện, giảm chi phí giá thành để các sản phẩm bao bì xanh tới tay người tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Quy định về tái chế bao bì trên hành trình xanh hóa

Hành trình xanh hóa ngành bao bì tại Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua các chính sách cụ thể về trách nhiệm tái chế. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, Việt Nam đã đưa ra các quy định quan trọng về việc tái chế bao bì nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và được áp dụng theo lộ trình bắt buộc từ ngày 01/01/2024.

Quy định này yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu bao bì chịu trách nhiệm tổ chức hoặc đóng góp tài chính vào hoạt động thu gom và tái chế sản phẩm của họ sau khi sử dụng. Điều này áp dụng cho các loại bao bì nhựa, giấy, kim loại và các vật liệu khác. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đăng ký và thực hiện kế hoạch tái chế theo tỷ lệ quy định đối với từng loại bao bì, hoặc đóng góp vào Quỹ Bảo vệ Môi trường để hỗ trợ công tác tái chế. Nghị định này đi vào hoạt động đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính (sản xuất, sử dụng, vứt bỏ) sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi bao bì được thu gom và tái sử dụng.

So với một số quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang từng bước học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến về tái chế bao bì. Một trong những mô hình nổi bật là Chỉ thị về Bao bì và Chất thải Bao bì của Liên minh châu Âu (EU). Chỉ thị này yêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo rằng ít nhất 65% trọng lượng của tất cả bao bì được thu gom để tái chế. EU còn khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện với môi trường và các doanh nghiệp phải trả phí dựa trên mức độ tác động môi trường của bao bì họ sử dụng, một hệ thống được gọi là "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR).

Mô hình EPR đã thành công trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc quản lý chất thải bao bì một cách bền vững.

Ngoài EU, Nhật Bản cũng có một hệ thống quản lý tái chế bao bì rất nghiêm ngặt. Theo Luật Tái chế Bao bì ban hành từ năm 1995, Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp phải phân loại và thu gom bao bì nhựa, thủy tinh, kim loại, và giấy sau khi sử dụng. Chính phủ nước này hỗ trợ việc phát triển các công nghệ tái chế tiên tiến, đồng thời thực hiện các chiến dịch giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về tái chế. Điều này đã giúp Nhật Bản đạt tỷ lệ tái chế cao, đồng thời giảm thiểu lượng rác thải bao bì được chôn lấp.

Hàn Quốc cũng nổi bật với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc tái chế bao bì thông qua hệ thống EPR và yêu cầu phân loại rác tại nguồn. Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng các chính sách phạt nặng đối với những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về tái chế, đồng thời khuyến khích sự tham gia của người tiêu dùng thông qua các chiến dịch môi trường và hệ thống hoàn trả bao bì.

Việc Việt Nam học hỏi và áp dụng những mô hình này sẽ giúp nâng cao hiệu quả tái chế, giảm thiểu tác động của bao bì tới môi trường và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với Việt Nam là hệ thống thu gom và phân loại rác tại nguồn chưa hoàn thiện, đòi hỏi cần có sự hợp tác mạnh mẽ từ các bên liên quan, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân. Thông qua Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Việt Nam đang dần hoàn thiện khung pháp lý và hướng tới một mô hình tái chế bao bì hiệu quả hơn trong tương lai.

Bộ tiêu chuẩn trên bao bì như FSC nên được phổ cập

FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý Rừng) là một tiêu chuẩn tự nguyện, được phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu. Chứng chỉ này đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế. Mặc dù không bắt buộc theo pháp luật hiện hành, nhưng việc đảm bảo đạt chứng nhận FSC trên các sản phẩm bao bì có thể giúp doanh nghiệp giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và những quy định về phát triển bền vững ngày càng thắt chặt, các doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Việt Nam được khuyến khích tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu thị trường, đặt biệt là trong các lĩnh vực xuất khẩu.

Phổ cập FSC như một giải pháp bảo vệ rừng và giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan. Rừng có khả năng hấp thụ và giữ nước mưa, làm giảm lượng nước chảy tràn, đồng thời làm chậm dòng chảy của nước vào các con sông, hồ, ngăn chặn nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, việc khai thác rừng bừa bãi, chuyển đổi rừng tự nhiên thành đất nông nghiệp hoặc khu công nghiệp đã làm suy giảm diện tích rừng và tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại nhiều vùng đồi núi, đặc biệt khi biến đổi khí đổi, các ảnh hưởng của thiên tai ngày một nghiêm trọng. Chứng chỉ FSC, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý rừng bền vững, yêu cầu hạn chế khai thác quá mức và bảo vệ hệ thống cây cối có khả năng giữ nước và đất. Điều này giúp ổn định địa hình, ngăn chặn hiện tượng sạt lở và làm giảm cường độ của lũ lụt. Những khu rừng ngày càng được phủ xanh không chỉ duy trì hệ sinh thái, mà còn đóng vai trò là "lá chắn", giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Như vậy, chủ đề xanh hóa và phát triển bền vững luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành bao bì, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu trách nhiệm xã hội ngày càng cao. Các doanh nghiệp bao bì hướng tới trở thành một phần của chuỗi giá trị xanh, và sẽ luôn là chiến lược trong dài hạn để các doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh, và tận dụng hơn nữa những cơ hội từ nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, hướng tới sự thịnh vượng trong tương lai.

Nguồn: https://hopcungcaocap.vn/nganh-bao-bi-viet-nam-tren-hanh-trinh-xanh-hoa/

Leave your comment

Our partners have trusted and supported us over the past time

Trusted Partners

0763 231 968
0763 221 968