Thị trường bao bì Việt Nam: Tiến bước trên chặng đường mới

Saturday, October 19, 2024

Thị trường bao bì Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng gia tăng.

Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, trong đó 65% tập trung vào sản xuất bao bì nhựa. Sự tăng trưởng của ngành bao bì được thúc đẩy bởi nền kinh tế trong nước phát triển ổn định, khi GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, mở ra triển vọng hoàn thành mục tiêu cả năm với mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7%.

Top 5 động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bao bì những tháng cuối năm 2024. (Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Bao bì, tháng 9/2024)

Không chỉ dừng lại ở đó, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận sự phục hồi và mở rộng của các ngành sản xuất chủ chốt.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục gia tăng, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 4.703.401 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Điều này tạo động lực lớn cho ngành bao bì, đặc biệt là bao bì phục vụ cho ngành thực phẩm và đồ uống, vốn đang là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Theo dự báo từ Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì giấy tại Việt Nam sẽ đạt 2,6 tỷ USD vào năm 2024 và có khả năng tăng lên 4,14 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 9,73% trong giai đoạn 2024-2029. Trong ngành nhựa, phân khúc bao bì được dự đoán sẽ chiếm lĩnh thị trường với sản lượng dự kiến 15,09 triệu tấn vào năm 2028, CAGR 8,44% (2023-2028). Điều này cho thấy tiềm năng của ngành bao bì tại Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt khi xuất khẩu bao bì đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới.

Theo Khảo sát doanh nghiệp bao bì của Vietnam Report, ngành bao bì cuối năm 2024 tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng trong nước phục hồi, đặc biệt là trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và thương mại điện tử.

Nền kinh tế phục hồi, các chỉ số vĩ mô ổn định đã kích thích tiêu dùng tăng cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bao bì đưa dây chuyền sản xuất tới mức sản lượng tiềm năng, tăng cường nguồn lực cho mở rộng sản xuất và cải tiến công nghệ. Hai động lực đi cùng với mức phục hồi ấn tượng của tiêu dùng là chính sách giảm thuế và sản xuất công nghiệp phục hồi.

Trong đó, Chính phủ đã tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2024 đến 31/12/2024 theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, việc tiếp tục duy trì giảm thuế là cần thiết do chính sách trên đã mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian trước. Như vậy, Chính phủ đã duy trì giảm thuế VAT nhằm kích thích tiêu dùng trong thời gian 3 năm liên tục hậu COVID-19.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã và đang thay đổi cách thức tiêu dùng, đồng thời tạo ra nhu cầu lớn về các loại bao bì phù hợp với vận chuyển, bảo quản và phân phối hàng hóa qua các kênh trực tuyến.

Thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.

Gần đây, thương mại điện tử đang xuất hiện xu hướng bán hàng qua phát sóng trực tiếp (livestream) và tiếp thị liên kết (Affiliate), cùng các kênh thương mại điện tử ngày một mở rộng, điển hình như TikTok Shop, Shopee, Lazada… sẽ là cú hích tiếp theo cho thị trường bán lẻ và các doanh nghiệp bao bì cũng được hưởng lợi từ đây.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là sự phát triển của công nghệ, đóng vai trò then chốt cho việc cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm trong ngành bao bì.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, các doanh nghiệp bao bì có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, tạo ra các sản phẩm bao bì thông minh, tiện lợi hơn và thân thiện với môi trường.

Với tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, các sản phẩm sử dụng bao bì phức hợp ngày càng nhiều. Đây là loại bao bì có kết cấu phức tạp, được cấu thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau để kết hợp các đặc tính mỗi loại vật liệu, tạo nên sản phẩm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn từ vệ sinh an toàn, kết cấu chắc chắn, thân thiện với môi trường…

Tận dụng được lợi thế công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn mở rộng khả năng thâm nhập vào các thị trường quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ngoài ra, công nghệ số cũng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí, và tăng cường tính bền vững của bao bì. Việc sử dụng các loại vật liệu tái chế và các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng.

Các hệ thống tự động hóa trong dây chuyền sản xuất bao bì cũng giúp tăng cường độ chính xác, đồng thời giảm thiểu sai sót và chi phí lao động, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn: https://hopcungcaocap.vn/thi-truong-bao-bi-viet-nam-tien-buoc-tren-chang-duong-moi/

Leave your comment

Our partners have trusted and supported us over the past time

Trusted Partners

0763 231 968
0763 221 968